Xuân về, Hà Nội nhớ phố tên xưa

LeHoan

Administrator
Nov 16, 2006
2,304
37
48
Hanoi
www.lehoan.net
Chỉ một con đường, chỉ một phố nhỏ nhưng có thể làm xao xuyến bao trái tim người. Rồi một mùa xuân lại về, lại nhớ Hà Nội với hàng loạt cái tên linh thiêng đã từng đặt cho bao con phố, vườn hoa thì đến giờ vẫn là khoảng lặng còn bỏ trống…
Quảng trường Ba Đình cũng không có tên

Từ những năm 1945, ông Thị trưởng Trần Văn Lai đã đặt tên những danh nhân, anh hùng dân tộc, những địa danh lịch sử cho những đường phố, vườn hoa của Hà Nội thay cho những tên Tây trước đây. Trung tâm có đường Trần Hưng Đạo với những võ tướng lừng danh Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão… cùng những địa danh Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng… Bên Hồ Gươm có vua Lê Thái Tổ cùng các tướng Lê Lai, Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn…, những vườn hoa Diên Hồng, Chí Linh, Chi Lăng… giúp cho hậu thế dễ dàng tìm hiểu lịch sử nước nhà.

Gần 70 năm qua, đặc biệt là từ mùa Thu 1954, thêm nhiều đường phố đã được đặt tên, nhưng Hà Nội hôm nay, vẫn còn những vườn hoa, con phố không có tên. Nói đúng hơn, những vườn hoa, con phố vẫn có tên, vẫn được thi thoảng nhắc đến nhưng chưa hề được một lần gắn biển tên đường. Trong đó, trong tâm linh mỗi người Thủ đô đều trào dâng cảm xúc khi nhắc đến, đó là con phố nhỏ nối phố Lý Thường Kiệt với phố Hai Bà Trưng.

19-12-ee47f.JPG

Đường 19/12 giờ vẫn chưa có biển tên
Đây là nơi chôn những người Hà Nội chết trong đêm toàn quốc kháng chiến chống Pháp 19/12/1946. Sau tháng 10/1954, TP Hà Nội đã cho xây tường bao và ghi biển: nơi chôn cất đồng bào thủ đô hy sinh ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Đất nước thống nhất, nơi đây được san thành chợ, chính quyền gọi là chợ 19/12 nhưng dân ta quen gọi là chợ Âm Phủ do nguồn gốc của nó.

Những năm gần đây, thành phố cho phép một doanh nghiệp lập dự án xây dựng chợ và trung tâm thương mại ngay trên nền chợ cũ. Sau đó, trước sức ép của công luận, TP đã chuyển dự án sang khu đất 41 Hai Bà Trưng, đồng thời xây dựng và chính thức đặt tên đường 19/12. Nhưng giờ đây, cả con phố ấy vẫn không hề có lấy một tấm bia tưởng niệm cũng như biển tên đường 19/12. Chúng ta không được phép quên! Nếu không có ngày 19/12/1946 thì sẽ không có ngày 10/10/1954!

Nhân đây cũng phải nói đến Hà Nội có tới 2 tượng đài Cảm Tử Quân, nhưng vẫn chưa có một đài tưởng niệm đồng bào, chiến sỹ Thủ đô hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Đó là một điều đáng phải suy ngẫm.

Một con đường khác nằm ở phía trước hội trường Ba Đình, cũng không hề được mang biển tên. Con đường này còn có trước đường 19/12 rất lâu. Đó là đường Độc Lập. Con đường nối từ ngã 5 trước Bộ Ngoại giao đến phố Hoàng Văn Thụ. Trung tâm là thế, nhưng người dân Thủ Đô ít ai biết nó mang tên Độc Lập, nằm trong một quần thể di tích thiêng liêng. Và cũng chỉ mới tháng 12 năm ngoái, sau khi báo Dân Trí đề cập, con đường linh thiêng này mới chính thức có tên.

doclap-ee47f.JPG

Đường Độc Lập mới được treo biển tên hồi cuối năm 2013 sau khi báo Dân trí đề cập đến việc này
Không chỉ những con đường, Thủ đô còn biết bao nhiêu quảng trường, vườn hoa không tên. Quan trọng như quảng trường Ba Đình, cả quảng trường rộng lớn không có lấy một biển tên, cho dù quảng trường có hẳn một ban quản lý với đủ ban bệ. Người dân Thủ đô biết quảng trường này vì gắn liền với Lăng Bác. Nhưng người các địa phương, khách nước ngoài thì chịu.

Theo người viết bài này thì ở Hà Nội, chỉ duy nhất quảng trường Nhà hát lớn thành phố có biển tên Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Còn quảng trường Chí Linh trước cửa Ngân hàng Nhà nước , quảng trường 1/5 trước trụ sở Tổng Liên đoàn lao động và Cung Việt - Xô (xưa là Đấu Xảo); quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước cửa hàng Hồng Vân - Long Vân phía bắc hồ Hoàn Kiếm…, tất cả đều không có biển tên dù đã có tên từ lâu.

Vườn hoa Hàng Trống – sao không đặt tên là Báo Thiên!

Người Pháp từ thế kỷ trước, khi quy hoạch Hà Nội đã rất tài tình biến những mảnh đất xen kẹt nơi các giao lộ thành những vườn hoa xinh xắn. Hà Nội có nhiều vườn hoa đẹp như vườn hoa Chí Linh (nay thành vườn hoa Lý Thái Tổ); vườn hoa Cổ Tân nằm trên con phố cùng tên dài chưa đầy trăm met, bên hông nhà hát lớn; vườn hoa Vạn Xuân (xưa gọi là vườn hoa Hàng Đậu) nằm cạnh phố Lý Nam Đế, ông vua đã đặt tên cho đất nước Vạn Mùa Xuân!

Trên phố Lê Thánh Tông có một vườn hoa nhỏ xinh xắn, từ thời Thị trưởng Trần Văn Lai đã đặt tên là vườn Tao Đàn. Thật ý nghĩa: “Tao Đàn nhị thập bát tú” bên vị vua anh minh, nhà thơ lỗi lạc Lê Thánh Tông vị chủ súy của 28 vì tinh tú trong vườn thơ Đại Việt thời bấy giờ, được đặt bên nhau đem lại sự ngưỡng mộ và tự hào cho hậu thế. Nhưng gần đây, người ta đặt vào đó bức tượng bán thân của nhà cách mạng Cu Ba Jose Macti khiến cái tên Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú càng lu mờ hơn.

Một vườn hoa rất đẹp ở trung tâm thành phố, có vòi phun nước là những con cóc phía trước nhà khách Chính phủ (xưa là Bắc bộ phủ), cạnh Khách sạn Metropol từ lâu đã được đặt tên là vườn hoa Diên Hồng. Nhưng biển tên vườn hoa đã không còn, bây giờ người Hà Nội chỉ quen gọi đây là vườn hoa con cóc…

dienhong-ee47f.JPG

Vườn hoa Diên Hồng giờ người ta quen gọi thành vườn hoa Con cóc
Vườn hoa ngày xưa giờ là thế, những cái tên vô cùng linh thiêng, ý nghĩa thì bị quên lãng, trở thành vườn hoa vô danh hoặc được gọi theo một cách nôm na. Trong khi đó, lại có những vườn hoa xây mới và được đặt tên mà theo các nhà lịch sử thì cần phải xem lại.

Điển hình là vườn hoa Hàng Trống. Một trong số ít vườn hoa được đặt tên và treo biển trong thời gian kỷ lục. Nhưng cái tên này xem ra không phù hợp cho lắm vì vườn hoa lại nằm cách khá xa phố Hàng Trống.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, vườn hoa Hàng Trống được xây trên đất của một phường rất quan trọng và cổ kính của Thăng Long ngày xưa đó là phường Báo Thiên. Chúng ta biết Tháp Báo Thiên là một trong An Nam tứ đại khí (bốn kỳ quan, bốn vật quốc bảo và là bốn công trình nghệ thuật bằng đồng nổi tiếng của văn hóa thời Lý, Trần). Tháp Báo Thiên có tên gọi đầy đủ là Đại thắng tư thiên bảo tháp, được xây cất vào năm Đinh Dậu (1057) đời Lý Thánh Tông có ý nghĩa là báo đáp ơn trời. Sau này, nhà thờ Lớn đã xây trên nền của Tháp Báo Thiên. “Nếu đặt vườn hoa này là vườn hoa Báo Thiên thì hay bao nhiêu, vừa cổ kính lại vừa phục hồi đúng tên cũ.” – nhà sử học Lê Văn Lan đề xuất.

Nhà sử học Lê Văn Lan:

Đặt tên cho xứng với giá trị văn hóa Hà Nội

Vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong chỉnh trang phố phường Hà Nội hiện nay chính là chiều sâu văn hóa. Câu chuyện này không chỉ nằm ở việc đặt tên các địa danh mà còn là cách thể hiện nó như thế nào, viết lên các tấm bia bảng ra làm sao. Hà Nội đã có 30 đường phố thí điểm được gắn thêm phần “phụ đề” dưới tên mỗi danh nhân và địa danh nhưng với những người muốn tìm hiểu lịch sử thì lại không thỏa mãn được thông tin vì bảng thì treo cao mà chữ lại nhiều và nhỏ, nội dung cũng còn nhiều điều phải bàn…
levanlan-ee47f.jpg

Nhà sử học Lê Văn Lan
Theo tôi, biển tên đường cần thống nhất tiêu chuẩn, kích thước, rõ ràng, ngắn gọn để người tham gia giao thông nhìn rõ. Còn phần “phụ đề” nên tách khỏi biển tên đường phố và làm một biển khác đặt ở vị trí thấp hơn phù hợp với tầm nhìn của mọi người. Tấm bảng này cần thể hiện sự vững vàng về kiến thức sử học, cũng như sự rõ ràng của văn phong và đầy đủ thông tin cần thiết…

Mỗi tên phố ở Hà Nội gắn với một ý nghĩa văn hóa lịch sử, vậy phải làm sao ý nghĩa văn hóa lịch sử ấy đến với mọi người. Hiện nay nhiều tên phố, cảnh quan, công viên không có bảng chỉ dẫn gì cả. Hà Nội có cả một hội đồng đặt tên đường, phốnhưng Hội đồng này dường như mới dừng lại ở việc đặt tên cho những phố mới, mà chưa quan tâm giữ gìn và phát huy ý nghĩa của tên phố đã đặt như thế nào.

Mùa xuân về là thời điểm chúng ta cùng nhìn lại và nhắc nhau làm cái việc có ý nghĩa này. Hãy phát huy giá trị văn hóa thi thư của đất kinh thành Thăng Long. Những cái tên phải cho đúng, cho hay, cho hợp với truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bài và ảnh: Lan Thanh